1. Tầm quan trọng của việc chăm sóc răng miệng hàng ngày
Miệng chính là cổng vào của cơ thể, do đó tình trạng răng miệng ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của bạn. Một chế độ chăm sóc răng miệng tốt sẽ mang lại cho bạn những lợi ích tuyệt vời như:
1.1. Sở hữu hàm răng trắng sáng, ngăn ngừa nguy cơ bị sâu răng
Chăm sóc răng miệng đúng cách giúp loại bỏ các mảng bám và sự tích tụ của vi khuẩn trong khoang miệng hiệu quả. Nhờ đó giúp phòng tránh các nguy cơ gây mất răng như sâu răng, viêm nướu, viêm nha chu... Đặc biệt, việc chăm sóc răng miệng hàng ngày còn có tác dụng hạn chế tình trạng răng bị ố vàng do sự bám màu của các thực phẩm bạn dùng hàng ngày.
Sở hữu hàm răng khỏe, đẹp giúp bạn tự tin hơn trong giao tiếp với mọi người.
1.2. Ăn nhai tốt hơn
Chất lượng răng ảnh hưởng rất lớn đến khả năng ăn nhai của bạn. Trên thực tế, tình trạng răng bị suy yếu vẫn có thể xảy ra với những người trẻ nếu không chăm sóc răng tốt. Do đó bạn cần chú ý đến cách vệ sinh răng miệng đúng cách để thoải mái thưởng thức những loại thực phẩm mà mình yêu thích về lâu dài.
1.3. Ổn định hoặc phòng tránh các bệnh lý nguy hiểm
Bệnh tiểu đường:
Các vấn đề về nướu, đặc biệt là viêm nha chu có mối liên hệ khăng khít với bệnh tiểu đường. Theo đó, những người bị tiểu đường thường có nguy cơ bị viêm nha chu cao. Đồng thời viêm nha chu sẽ làm bệnh tiểu đường phức tạp hơn nữa.
Giải thích về mối quan hệ hai chiều này, Pamela McClain - chủ tịch của Viện Hàn lâm Nha khoa Mỹ - cho biết, viêm nha chu sẽ làm hạn chế sự chuyển đổi Insulin của cơ thể. Trong khi đó, Insulin lại là loại hoocmon giúp kiểm soát lượng đường trong máu bằng cách dự trữ đường ở gan và chỉ giải phóng đường khi lượng đường trong máu thấp hoặc khi cơ thể cần nhiều đường. Vì thế, những người mắc hoặc không mắc bệnh tiểu đường đều cần có chế độ chăm sóc răng miệng tốt để tránh làm ảnh hưởng đến sự chuyển đổi Insulin của cơ thể, giúp ổn định lượng đường trong máu tốt hơn.
Bệnh tim:
Về lý thuyết, tình trạng viêm răng miệng có thể gây ra viêm trong mạch máu. Từ đó, các mạch máu bị viêm sẽ làm giảm sự di chuyển của các tế bào máu giữa tim và phần còn lại của cơ thể. Do đó khiến người người bệnh dễ bị tăng huyết áp.
Bên cạnh đó, các mảng bám chất béo cũng có khả năng phá vỡ thành mạch máu và di chuyển đến tim hoặc não. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra những cơn đau tim hoặc đột quỵ.
Các bệnh khác:
- Viêm khớp dạng thấp: Mối liên quan giữa bệnh răng miệng và viêm khớp dạng thấp đã được nghiên cứu vào đầu những năm 1820. Theo đó, chữa dứt các bệnh về răng miệng có thể làm giảm đáng kể tình trạng đau cho những bệnh nhân viêm khớp dạng thấp .
- Bệnh về phổi: Các bệnh về răng miệng có thể làm tăng số lượng vi khuẩn trong phổi, khiến cho tình trạng viêm phổi và bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính tồi tệ hơn.
- Béo phì: Tương tự như tiểu đường, các vấn đề về răng miệng là nguy cơ làm tăng lượng mỡ trong máu và ngược lại.
1.4. Bảo tồn trí nhớ và khả năng nhận thức
Một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Thần kinh học, phẫu thuật thần kinh và tâm thần của Anh (Journal of Neurology, Neurosurgery & Psychiatry) cho thấy rằng, người có vấn đề về răng miệng, đặc biệt là người lớn tuổi có trí nhớ và các khả năng nhận thức kém hơn so với người có răng miệng khỏe mạnh. Vì thế việc chăm sóc răng miệng khi còn trẻ là việc làm cần thiết để bảo tồn trí nhớ và khả năng nhận thức khi lớn tuổi.
Người lớn tuổi có răng miệng khỏe có kết quả trí nhớ và khả năng nhận thức khá tích cực
1.5. Giúp tự tin, nâng cao chất lượng cuộc sống
Một chế độ chăm sóc răng miệng tốt sẽ phòng tránh được tình trạng sâu răng và bệnh nướu răng. Điều này không chỉ tạo độ thẩm mỹ cho toàn bộ khuôn mặt mà còn giúp hơi thở của bạn không có mùi khó chịu. Hơn thế nữa, răng miệng khỏe mạnh còn mang đến bạn sự thoải mái, ngủ ngon và khả năng tập trung làm việc hoặc học tập tốt hơn.
1.6. Đảm bảo sự phát triển bình thường của thai nhi
Những thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ có thể làm tăng nguy cơ bị viêm nha chu ở phụ nữ. Vấn đề này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của thai nhi trong tử cung, khiến bé bị sinh non hoặc nhẹ cân hơn bình thường. Vì thế phụ nữ được khuyến nghị nên kiểm tra tình trạng răng miệng khi khám tiền mang thai hoặc khám trong khi mang thai để phát hiện sớm cũng như điều trị kịp thời tình trạng viêm nha chu.
2. Những sai lầm khi chăm sóc răng miệng
- Uống nước ngọt không đường không hại răng: Mặc dù là các nước ngọt không đường nhưng axit trong các sản phẩm này vẫn rất cao (độ pH ở mức khoảng 3,2). Khi kết hợp cùng với chất phụ gia giúp tạo hương vị như như chanh, cam, dâu,… các sản phẩm này vẫn có thể làm mòn men răng tương tự như nước ngọt có đường bình thường.
- Sử dụng nước súc miệng theo ý thích: Nước súc miệng là sản phẩm hỗ trợ giúp làm sạch răng miệng và loại bỏ các mảng bám trên răng. Tuy nhiên nếu sử dụng quá nhiều lần trong 1 ngày có thể làm thay đổi môi trường cân bằng vùng miệng và diệt những vi khuẩn có lợi ở trong khoang miệng.
- Đánh răng quá kỹ, chà xát mạnh sẽ sạch răng: Mảng bám ở răng khá mềm và lỏng. Việc đánh răng quá kỹ hoặc chà xát mạnh không chỉ không sạch răng hơn mà còn có nguy cơ làm tổn thương nướu.
Đánh răng quá mạnh có thể làm tồi tệ tình trạng của những người có răng nhạy cảm
- Đánh răng ngay sau khi ăn: Sau khi ăn, trong miệng của bạn sẽ có chứa đầy axit. Đánh răng ngay sau khi tức là bạn đang góp phần giúp axit hoạt động mạnh mẽ hơn nữa, từ đó khiến răng bị mòn nhanh hơn.
- Đánh răng trong khi tắm: Khi đang tắm, những vùng bị khuất như mặt răng trong hay vùng lưỡi thường hay bị bỏ qua. Hơn thế nữa, vi khuẩn từ nước khi đang tắm có thể lẫn vào bàn chải, khiến chúng còn bẩn hơn. Về lâu dài, hành động đánh răng trong khi tắm có thể làm xuất hiện nhiều vấn đề về răng miệng.
- Bàn chải lông cứng sẽ tốt hơn: Trên thực tế, bàn chải có lông cứng sẽ không có tác dụng loại bỏ mảng bám tốt hơn bàn chải long mềm. Khi kết hợp cùng việc đánh răng quá kỹ, loại bàn chải này sẽ gây ra nhiều cảm giác khó chịu trong suốt quá trình chải răng.
- Chỉ đến nha sĩ khi răng sâu, răng đau: Đây là một trong những quan niệm sai lầm mà nhiều người mắc phải. Có rất nhiều vấn đề về răng miệng có tiến triển âm thầm, nhất là viêm nha chu. Phát hiện trễ các vấn đề răng miệng sẽ khiến bạn tốn nhiều chi phí và thời gian để điều trị hơn.
3. Hướng dẫn chăm sóc răng miệng đúng cách
3.1. Lựa chọn bàn chải đánh răng:
- Ưu tiên chọn bàn chải có lông mềm hoặc các loại bàn chải được đề nghị bởi các nha sĩ.
- Thay bàn chải 2 – 3 tháng/ lần.
3.2. Cách đánh răng khoa học
- Sử dụng kem đánh răng có chứa chất Fluoride: Fluoride là chất giúp ngăn ngừa sâu răng và hình thành xương mới thường có trong các sản phẩm kem đánh răng. Tuy vậy bạn không nên quá lạm dụng chất này vì nó có thể làm răng bị đổi màu. Lượng kem đánh răng có chứa Fluoride được khuyên dùng theo từng độ tuổi như sau:
Tuổi
|
Lượng kem đánh răng có chứa Fluoride
|
0-18 tháng tuổi
|
Không sử dụng kem đánh răng, chỉ nên dùng nước sạch để súc miệng cho bé.
|
18 tháng tuổi- 6 tuổi
|
Nên dùng một lượng kem đánh răng có chất fluoride nhỏ bằng hạt đậu.
|
> 6 tuổi
|
Sử dụng kem đánh răng có chất fluoride theo hướng dẫn từ phía nhà sản xuất in trên bao bì.
|
- Không nên đánh răng quá mạnh. Thay vào đó hãy đánh răng nhẹ nhàng theo vòng tròn bao gồm cả mặt trong, mặt ngoài của răng và lưỡi.- Làm sạch răng và dọc theo đường nướu răng.
- Đánh răng ít nhất 2 lần/ ngày (đặc biệt là sáng và tối trước khi ngủ), mỗi lần kéo dài từ 2 – 3 phút.
- Sau khi đánh răng cần nhổ kem đánh răng, không nuốt nó. Đồng thời súc miệng lại bằng nước sạch.
- Nên dùng chỉ nha khoa để làm sạch kẽ răng ít nhất 1 lần trong ngày.
Sử dụng chỉ nha khoa đúng cách giúp hạn chế các bệnh về răng miệng tốt hơn
3.3. Sử dụng nước súc miệng một cách thông minh:
- Chọn nước súc miệng phù hợp: có chứa Fluor và không có chất alcohol.
- Dùng sau khi đánh răng. Không dùng nước súc miệng quá 2 – 3 lần/ngày.
- Nên ngậm khoảng 30 giây để nước súc miệng tiêu diệt các loại vi khuẩn trong khoang miệng.
- Sau khi dùng nước súc miệng, bạn không nên ăn sau khoảng nửa giờ.
- Lưu ý không được nuốt nước súc miệng.
- Nên chọn mua những loại có uy tín đã được cơ quan chức năng kiểm chứng chất lượng.
3.4. Áp dụng chế độ ăn phù hợp và hạn chế hút thuốc
- Tránh ăn quá nhiều đồ ngọt và nước uống có gas.
- Không nên hút thuốc. Người hút thuốc thường có nhiều vấn đề về răng và nướu hơn người không hút thuốc.
3.5. Thực hiện khám răng theo định kỳ:
Nên khám răng theo khuyến nghị của nha sĩ, khoảng 6 tháng/ lần.