-
Sáng tạo với món ăn
Thay vì mỗi bữa đều nấu các món ăn theo thông lệ, mẹ có thể thử sáng tạo hơn trong việc trang trí món ăn cho bé. Trẻ rất thích khi được ăn một đĩa ốp-la với trứng ở giữa và một ít cà rốt thái sợi xếp thành hình tia nắng tỏa ra xung quanh. Tương tự, mẹ cũng có thể trang trí món ăn theo nhiều kiểu khác nhau để giúp trẻ ăn ngon miệng. Tuy nhiên, mỗi đĩa thức ăn như vậy chỉ nên có một lượng thức ăn vừa phải. Lúc đó, trẻ sẽ cảm thấy hào hứng với “thực đơn sáng tạo” của mẹ và tự tin rằng mình có thể ăn hết chỗ thức ăn dễ dàng.
-
Thay đổi thực đơn thường xuyên
Trẻ sẽ ăn ngon miệng hơn nếu được mẹ thay đổi thực đơn thường xuyên. Nếu với người lớn, các bữa ăn lặp đi lặp lại mang lại cảm giác nhàm chán thì với trẻ cảm giác này còn “tệ” hơn rất nhiều. Mẹ hãy chế biến những món ăn phù hợp khẩu vị của trẻ, thường xuyên có những món mới, trẻ sẽ hào hứng mỗi khi đến bữa ăn và ăn ngon miệng hơn.
-
Cho trẻ ngồi đúng tư thế khi ăn
Để hệ tiêu hóa của trẻ hoạt động tốt nhất, mẹ nên chọn cho trẻ một ghế ngồi thẳng lưng có phần dựa phía sau, ghế trẻ ngồi phải ngang tầm với vị trí thức ăn để giúp trẻ có thể ăn uống dễ dàng. Ghế ngồi phù hợp sẽ giúp các cơ quan thuộc hệ tiêu hóa giãn nở tối đa làm cho thức ăn nhanh chóng được tiêu hóa và hấp thu, tránh được những phiền toái do đầy hơi, chướng bụng hoặc tình trạng rối loạn tiêu hóa gây ra. Ban đầu, trẻ có thể sẽ khó chịu khi phải ngồi đúng tư thế, nhưng khi quen dần, hệ tiêu hóa của trẻ sẽ hoạt động tốt nhất, trẻ ăn ngon miệng hơn. Mẹ cũng cần lưu ý tuyệt đối tránh cho trẻ “ăn rong”, hoặc vừa chơi vừa ăn để đảm bảo thức ăn được tiêu hóa và hấp thu tốt nhất.
-
Biết điểm dừng
Mẹ không nên ép buộc trẻ ăn quá nhiều cho một bữa. Khi trẻ có xu hướng lắc đầu hay mím môi khi được cho ăn có nghĩa là trẻ không muốn ăn nữa. Mẹ không cần thiết cố ép cho trẻ ăn muỗng cuối hay uống nốt nước bởi hành động này sẽ tạo thành thói quen xấu cho trẻ, phá hỏng cơ chế tự điều chỉnh của cơ thể. Nếu trẻ có các dấu hiệu như ngậm, nôn ọe hay không chịu ăn, điều đó có nghĩa là trẻ đang cảm thấy việc ăn uống giống như “cực hình”, mẹ có cố ép trẻ cũng sẽ không thấy ăn ngon miệng. Khi đó, mẹ nên điều chỉnh lại cách cho con ăn và ghi nhớ rằng nhu cầu về thức ăn của mỗi trẻ là khác nhau.
-
Bữa tối không có tivi, ipad
Vì để dỗ con ăn nhanh và ăn nhiều hơn, nhiều mẹ cho phép con vừa ăn vừa xem tivi hoặc xem ipad. Mặc dù, đôi lúc việc này có thể giúp trẻ ăn nhanh chóng hơn nhưng “lợi một mà hại mười”. Mải xem ti-vi, ipad sẽ khiến cho trẻ không chú trọng đến thức ăn và có nguy cơ trẻ ngậm thức ăn rất lâu, hoặc nuốt thức ăn mà không nhai – điều này sẽ gây hại cho dạ dày của trẻ, để lâu sẽ dẫn đến các vấn đề sức khỏe không tốt. Đồng thời, khi trẻ đang bị thu hút bởi các chương trình trên tivi hay ipad, trẻ sẽ không cảm nhận được hương vị của thức ăn, ăn không ngon miệng, dễ dẫn đến cảm giác chán ăn.
-
Ăn “quà vặt” đúng cách
“Quà vặt” không phải lúc nào cũng xấu. Nhưng thay vì cho trẻ ăn những món ăn vặt như bánh, kẹo, bim bim… vào bữa xế hay những bữa ăn nhẹ, mẹ nên tăng cường cho trẻ uống sữa (vừa hạn chế trẻ đòi ăn vặt, vừa rất tốt cho sự phát triển của con), uống nước hoa quả, hoặc ăn các loại quả tươi. Ngoài ra, mẹ có thể chọn sữa công thức đặc thù dành riêng cho trẻ biếng ăn để cung cấp cho trẻ hệ dưỡng chất tốt, dễ hấp thu và giúp trẻ ăn ngon miệng.
-
Cho trẻ tự ăn
Mẹ không nên đút ăn cho trẻ suốt. Mặc dù ban đầu, khi loay hoay tự ăn, trẻ có thể bôi bẩn lên mặt mũi, quần áo, nhưng trẻ sẽ chủ động và tập trung vào món ăn, biết cảm nhận mùi vị và ăn ngon miệng hơn. Để trẻ thêm hào hứng với bữa ăn, cha mẹ có thể cho con ăn bằng những chiếc chén đĩa nhựa có hình nhân vật hoạt hình. Ngoài ra, một đĩa nước sốt cà chua với trò chơi rưới nước sốt hoặc chấm thức ăn cũng giúp trẻ thấy bữa ăn thú vị và ăn ngon miệng hơn.
-
Chơi trò làm bếp
Mẹ mua những vật dụng làm bếp kích thước nhỏ hơn (ví dụ như rổ rá đồ chơi, nồi đất nhỏ…) cho trẻ chơi trò làm bếp, cùng phụ mẹ nhặt rau, vo gạo, thậm chí có thể đựng thức ăn đã nấu chín vào trong những nồi đất nhỏ, đĩa đồ chơi. Với cách này, mẹ sẽ gợi được sự thích thú của trẻ với bữa ăn. Thậm chí nhiều bé còn chủ động mang bát, đĩa, xoong nồi của mình vào xin mẹ thêm thức ăn.